Vì sao gấu ngựa cần ánh mặt trời?

21 June 2016

Bài dịch có chỉnh sửa từ bài gốc của Russell McLendon trên www.mnn.com.

Gấu ngựa đã trở thành linh vật chính thức của Paralympics 2018 sắp tới tại Hàn Quốc. Câu chuyện tưởng như rất bình thường nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với loài gấu này.

Loài gấu ngựa hiện đang phải đối diện với nhiều mối đe dọa gây ra bởi con người, nhưng các chuyên gia bảo tồn đang hy vọng rằng gió sẽ đảo chiều. (Ảnh: Shutterstock)

Dựa trên các phân tích về di truyền, gấu ngựa có thể là loài gấu cổ đại nhất còn tồn tại và được phân bố rộng rãi từ Iran tới Nhật Bản, nhưng đang dần vắng bóng ngoài tự nhiên vì bị săn bắt và suy giảm môi trường sống. Vậy mà, trong môi trường nuôi nhốt, loài gấu cổ đại này còn phải đối mặt với một số phận thảm thương hơn nhiều.

Sự tồn tại của các “trại gấu”, nơi hàng nghìn cá thể gấu ngựa đang bị giam cầm trong các lồng cũi chật hẹp và bị trích hút mật, một loại dung dịch giúp tiêu hóa chất béo mà các loài động vật khác đều có, kể cả con người. Mật gấu được sử dụng trong y học cổ truyền, và sau khi số lượng gấu hoang dã dần cạn kiệt do bị săn bắt bừa bãi, các nhà khoa học Triều Tiên đã tìm ra cách trích hút mật gấu từ gấu còn sống.

Mục đích ban đầu của nghiên cứu đó là để giảm sức ép săn bắt lên gấu hoang dã, nhưng ngành nuôi nhốt gấu lấy mật đã nhanh chóng bén rễ ở Trung Quốc, với hàng ngàn cá thể gấu bị nuôi nhốt vào thập niên 90, tình trạng này cũng diễn ra ở Hàn Quốc, Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác. Tuy nhiên do nạn phá rừng và săn bắn tràn lan, số lượng gấu còn bị giảm mạnh hơn, trong khi nhu cầu tiêu thụ mật gấu ở Trung Quốc còn tăng lên. Hiện nay, loài gấu ngựa không những bị tước đoạt sinh mạng và môi trường sống, mà còn cả sự tôn trọng nữa.

Các tổ chức bảo vệ động vật đã dành nhiều năm cứu hộ gấu, vận động tăng cường thực thi pháp luật, cũng như quảng bá hình ảnh của loài gấu này. Gấu ngựa không nổi tiếng như như một số loài vật đang bị đe dọa khác, chẳng hạn như gấu trúc. Khi được nhắc tới trên các phương tiện truyền thông, gấu ngựa lại thường bị đặt trong bối cảnh trại gấu đầy đau khổ. Để có được sự quan tâm nhiều như gấu trúc, gấu ngựa không cần thêm sự thương hại mà thay vào đó là hình ảnh đại diện tốt hơn.

Dù đúng hay sai, con người luôn dành nhiều quan tâm hơn cho các loài vật mà họ coi là gần gũi và có sức thu hút. Các loài thú có nhiều lợi thế về mặt này, nhưng gấu ngựa dường như vẫn chưa được chú ý đúng mức. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhân cách hóa các loài vật có thể giúp nâng cao sự cảm thông của con người với loài vật đó, khiến mọi người quan tâm hơn đến việc bảo vệ loài vật.

Đó chính là mục đích của bạn gấu này:

Paralympics 2018 tại PyeongChang, Hàn Quốc có linh vật là một bạn gấu ngựa. (Ảnh: PyeongChang 2018)

Xin được trân trọng giới thiệu "Bandabi," một bạn gấu ngựa được nhân cách hóa. (Gấu ngựa còn được gọi là gấu đen châu Á, hoặc gấu mặt trăng do có một mảng lông hình trăng khuyết ở trước ngực.) Gần đây, bạn ấy đã được chọn làm linh vật chính thức của Paralympic Mùa đông năm 2018 ở PyeongChang, Hàn Quốc, cùng với hổ trắng "Soohorang", linh vật của Olympic Mùa đông 2018.

Dù cho những nỗi khổ mà đồng loại đang phải chịu đựng, Bandabi sinh ra không phải chỉ để làm công việc vận động xã hội. Bạn ấy được chọn làm linh vật vì theo Ủy ban tổ chức PyeongChang 2018, gấu là biểu tượng cho “chí khí và lòng dũng cảm”, và bởi vì gấu ngựa là loài vật biểu tượng của tỉnh Gangwon, trong đó có PyeongChang. Nhưng dù sao, việc có Bandabi làm gương mặt đại diện cho các cá thể gấu đang bị bóc lột trong bóng tối, dù không chính thức, vẫn có thể tạo ra những hiệu quả không ngờ.

Tiến sỹ Jill Robinson, Sáng lập viên kiêm Tổng Giám đốc điều hành của Tổ chức Động vật Châu Á chia sẻ: "Việc Bandabi trở thành linh vật biểu tượng ở Hàn Quốc sẽ giúp công cuộc bảo vệ loài gấu có thêm sức hút. Nếu bạn có thể khiến người ta tôn trọng loài gấu, không còn xem gấu chỉ là một thứ sản phẩm tiêu dùng, họ sẽ nhìn nhận lại việc đối xử tàn nhẫn với gấu nuôi trong các trang trại. Chúng tôi tin rằng Bandabi sẽ gây ảnh hưởng lớn tại châu Á cũng như trên toàn cầu, và gợi nhắc mọi người rằng rất nhiều cá thể gấu vẫn đang bị đối xử tàn tệ trong cảnh sống giam cầm ngay trong thời gian Olympic Mùa Đông đang diễn ra."

Bandabi là một phần trong nỗ lực quảng bá hình ảnh của loài gấu ngựa, cùng với Ura, một bé gấu con nghịch ngợm xuất hiện trong hai tác phẩm sách thiếu nhi Hàn Quốc, "Thế giới của Ura" và "Giấc mơ của Ura." Trang moonbear.org, một trong số các tổ chức từ thiện nhận được sự đóng góp từ tiền bán sách, đã nhận định rằng cả hai cuốn sách đều đưa ra "một thông điệp nhẹ nhàng tới các em nhỏ về tầm quan trọng của việc tôn trọng thế giới tự nhiên và các loài vật."

Để chống lại nạn nuôi nhốt gấu lấy mật, Ura và Bandabi không cần phải nhắc tới nó. Chỉ cần xây dựng được hình ảnh tốt đẹp về gấu ngựa, một loài vật thông minh, tình cảm, luôn cố gắng sống tốt mặc cho có nhiều khó khăn, nghịch cảnh. Điều đó giúp gây dựng tình cảm với gấu ngựa và khiến mọi người thông cảm với chúng hơn.

Nuôi nhốt gấu lấy mật là phạm pháp ở Hàn Quốc và Việt Nam, nhưng việc thực thi pháp luật vẫn chưa nghiêm ngặt, khiến ngành kinh doanh này vẫn tiếp tục tồn tại ở cả hai nước với khoảng 1,000 cá thể gấu còn bị nuôi nhốt ở mỗi nước. Ở Trung Quốc, còn hàng chục trại gấu quy mô lớn, hiện đang nuôi nhốt khoảng 10,000 cá thể gấu ngựa cùng với một số ít cá thể gấu chó và gấu nâu, theo số liệu của Tổ chức Động vật Châu Á. Bất chấp những quy định nhằm cải thiện điều kiện sống của gấu, một số trại gấu vẫn tiếp tục sử dụng các lồng nuôi nhốt nhỏ hẹp và các biện pháp trích hút mật gấu tàn bạo như dùng “áo giáp sắt” để đặt ống thông cố định.

Theo một báo cáo của Trung tâm Lịch sử và Pháp luật về Động vật, Đại học bang Michigan: "Gấu phải trải qua các thủ thuật trích hút mật đầy đau đớn và bị tước bỏ mọi hành vi và cuộc sống tự nhiên trong các trại gấu." "Trong phần lớn các trại gấu, gấu bị nuôi nhốt trong các lồng có kích cỡ khoảng 0.75 m x 1,3 m x 2 m, quá nhỏ để các cá thể gấu có cân nặng từ 50 đến 120 kg có thể xoay sở hoặc đứng thẳng dậy." Mật gấu được hút qua ống thông hoặc để chảy tự do, khiến cho nhiều gấu bị nhiễm trùng kinh niên, thoái hóa cơ, khớp và thương tổn cơ thể do tiếp xúc với song sắt.

"Rất nhiều cá thể gấu có sẹo trên người do cọ mình vào song sắt," "và một số có các vết thương ở đầu hay bị gãy răng do húc đầu và cắn song sắt khi tìm cách thoát thân trong tuyệt vọng."

Công bằng mà nói, khác với sừng tê giác và một số sản phẩm từ động vật hoang dã khác được dùng trong Đông y, mật gấu thực sự có một số tác dụng dược lý. Từ ngàn năm nay, mật gấu đã được dùng để điều trị nhiều loại bệnh, và khoa học hiện đại đã xác nhận một số tính năng của mật gấu, chẳng hạn như chữa trị một số chứng bệnh về gan mật hoặc làm giảm sưng tấy. Tuy nhiên các nghiên cứu đó không nhằm biện minh cho sự tàn bạo của ngành nuôi gấu lấy mật, mà trái lại, chúng lại có mục tiêu tìm cách loại bỏ hoàn toàn việc khai thác gấu.

Gấu ngựa nằm trong lồng ở một trại gấu tại tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Hoạt chất chủ yếu trong mật gấu là acid ursodeoxycholic (UDCA). Mật của các loài thú khác cũng có chất này nhưng mật gấu có nồng độ cao nhất. Các nhà khoa học đã tìm ra cách sản xuất UDCA nhân tạo cách đây hàng chục năm; chất này được dùng nhiều trong việc làm tan sỏi mật ở người. Nhiều loại thảo dược dùng trong Đông y cũng có tác dụng tương tự mật gấu, chẳng hạn như các loại cây thuộc Chi Coptis.

Hiện ở Trung Quốc đã có rất nhiều loại sản phẩm thay thế được cho mật gấu, nhưng mức độ phổ biến của các sản phẩm này vẫn rất chậm vì người tiêu dùng không tin vào tác dụng của chúng. Nhiều thầy thuốc đông y vẫn tiếp tục sử dụng mật gấu trong các đơn thuốc, và theo quan điểm của nhiều nhà hoạt động cộng đồng, đây là một trọng điểm cần quan tâm nếu muốn chấm dứt việc khai thác và sử dụng mật gấu.

Ông Chris Shepherd, đến từ tổ chức Traffic, chia sẻ với báo the Guardian vào năm 2015: "Hiện chúng tôi đang vận động các thầy thuốc đông y và các hiệu thuốc tư vấn cho bệnh nhân với khoảng 50 loại thảo dược hoàn toàn hợp pháp có thể thay thế cho mật gấu. Nếu những người làm nghề thuốc đều thay đổi thì người tiêu dùng cũng sẽ làm theo."

Hai cá thể gấu ngựa non chơi đùa trên cây ở Vườn Quốc gia Khao Yai, Thái Lan. (Ảnh: Tontan Travel/Flickr)

Các chú gấu mang tin lành

Các đại sứ gấu ngựa có thể có vai trò rất quan trọng trong tương lai. Khi mà mọi người đang dần quay lưng lại với các trại nuôi nhốt gấu lấy mật, và khoa học đã giúp loại bỏ được nhu cầu sử dụng mật gấu, Bandabi và Ura sẽ trở thành các nhân vật chính trong một chương mới tươi sáng hơn trong lịch sử loài gấu ngựa.

"Cũng giống như các vận động viên khuyết tật ở Paralympic PyeongChang 2018, các chú gấu đều rất kiên cường, dũng cảm, và luôn cố gắng vượt qua nghịch cảnh," Ngài Philip Craven, Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế phát biểu. "Loài gấu cũng rất thân thiện và dễ thương ; tôi rất mong được thấy Bandabi tương tác với cộng đồng trong thời gian từ giờ tới khi Đại hội diễn ra."

Theo một nghiên cứu năm 2013, nhân cách hóa không phải lúc nào cũng tác dụng tốt đối với sinh vật hoang dã. Nó có thể khiến nhiều người muốn nuôi động vật hoang dã làm cảnh, như trường hợp loài cá hề ở Vanuatu sau khi bộ phim "Đi tìm Nemo" được công chiếu vào năm 2003. Ngoài ra, việc hầu hết sự chú ý đều được dồn vào các loại động vật lớn và nổi tiếng có thể càng làm chúng ta ít quan tâm hơn đến các sinh vật khác như côn trùng hay cây cỏ.

Tuy nhiên, từ trước tới giờ loài gấu đã luôn được con người nhân cách hóa và hầu hết mọi người đều nhận ra rằng gấu không phù hợp để nuôi làm cảnh. Với tình cảnh khốn khổ của các cá thể gấu ngựa trong các trại gấu, có lẽ hơn bao giờ hết, mọi người cần có một góc nhìn mới về loài gấu này. Theo lời chia sẻ của chuyên gia tâm lý bảo tồn John Fraser trên Deutsche Welle vào năm 2014, nhân cách hóa động vật là con đường tắt để đi tìm sự cảm thông.

"Nhân cách hóa giúp người ta hiểu nhiều hơn," Fraser chia sẻ. "Sự cảm thông là rất cần thiết khi chúng ta muốn mọi người quan tâm hơn tới động vật, và nếu việc áp dụng góc nhìn con người đối với loài vật có thể giúp mọi người đi những bước đầu trên con đường này, thì đó là điều thật sự nên làm."


BACK