Cuộc thi thiết kế poster và làm video tuyên truyền “Ngừng cưỡi voi - Để voi trở về rừng” chào mừng ngày Voi Thế giới (12/08)

21 July 2025

poster

THỂ LỆ

Cuộc thi thiết kế poster và làm video tuyên truyền 

“Ngừng cưỡi voi - Để voi trở về rừng” chào mừng ngày Voi Thế giới (12/08)

“Voi là loài động vật thông minh có đời sống xã hội phức tạp, đã tiến hoá hàng triệu năm với những kỹ năng chuyên biệt để sinh tồn và phát triển mạnh mẽ trong môi trường rừng tự nhiên. Việc sử dụng voi trong du lịch cưỡi voi buộc chúng phải sống trong một môi trường xa lạ — nơi chúng phải học “ngôn ngữ của sự phục tùng”, tuân theo mệnh lệnh của con người và buộc phải thực hiện những hoạt động không phải hành vi tự nhiên của chúng.

Đã đến lúc chúng ta giải phóng voi khỏi loại hình dịch vụ này — giúp chúng quay trở về với rừng, và trao cho chúng quyền được lựa chọn cách sống của chính mình.” 

- Ông David Neale, Giám đốc Toàn cầu về Tri giác và Phúc lợi động vật, Tổ chức Động vật Châu Á

I. GIỚI THIỆU CHUNG

Hướng tới Ngày Voi Thế Giới (12/08), Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) phối hợp với Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ Vườn quốc gia Yok Đôn và Ban quản lý rừng Lịch sử, Văn hóa, Môi trường Hồ Lắk xây dựng Kế hoạch tổ chức Cuộc thi thiết kế poster và làm video tuyên truyền “Ngừng cưỡi voi - Để voi trở về rừng”.

Cuộc thi được tổ chức nhằm góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, về các vấn đề liên quan đến phúc lợi động vật, bảo tồn voi và du lịch có trách nhiệm. Thông qua hình thức sáng tạo như thiết kế poster, tranh minh họa và video ngắn, cuộc thi khuyến khích công chúng thể hiện quan điểm phản đối việc sử dụng voi trong hình thức du lịch cưỡi voi, nuôi nhốt voi trong điều kiện không phù hợp với tập tính tự nhiên, đồng thời lan tỏa thông điệp về việc đưa voi trở về với môi trường sống tự nhiên trong rừng.

Cuộc thi còn là dịp để tuyên truyền về mô hình du lịch thân thiện với voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn và Ban quản lý rừng Lịch sử, Văn hóa, Môi trường Hồ Lắk – một mô hình tiêu biểu trong việc kết hợp giữa bảo tồn và phát triển du lịch bền vững. Trong các tour thân thiện với voi này, voi từng phục vụ trong các khu du lịch cưỡi voi được cứu hộ đưa về rừng và phúc lợi của voi được ưu tiên hàng đầu. Du khách có thể ngắm nhìn những sinh vật to lớn, thông minh này thể hiện các hành vi hoàn toàn tự nhiên trong môi trường của chúng. Chúng được tự do vui chơi, lang thang tìm kiếm thức ăn, tương tác với các cá thể khác và đơn giản là được sống như những con voi thực thụ. Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh tích cực của Việt Nam trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, đồng thời khơi gợi sự quan tâm, tham gia và cam kết hành động từ cộng đồng.

H'Non mud bathe

II. ĐỐI TƯỢNG & THỜI GIAN TỔ CHỨC

1. Đối tượng tham gia: Cuộc thi hướng đến tất cả công dân Việt Nam từ đủ 12 tuổi trở lên, đặc biệt khuyến khích sự tham gia của học sinh, sinh viên, các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật, môi trường, bảo vệ động vật, cùng những người quan tâm đến chủ đề của cuộc thi. Người dự thi có thể tham gia theo hình thức cá nhân hoặc theo nhóm (tối đa 3 người/nhóm).

Thời gian tổ chức: Dự kiến triển khai từ ngày 21 tháng 7 năm 2025 đến ngày 24 tháng 8 năm 2025, gồm các mốc thời gian chính như sau:

- Thời gian phát động và nhận bài dự thi: từ ngày 21/7 đến hết ngày 10/8/2025.

- Thời gian chấm điểm và tổ chức bình chọn công khai qua mạng xã hội (Facebook): từ ngày 12/8 (Ngày Voi Thế Giới) đến hết ngày 18/8/2025.

- Công bố kết quả và trao giải: ngày 24/08/2025 (dự kiến).

III. NỘI DUNG & HÌNH THỨC

1. Chủ đề cuộc thi: “Ngừng cưỡi voi - Để voi trở về rừng”

Thông qua tác phẩm dự thi, người tham gia thể hiện thông điệp phản đối các hình thức khai thác voi phục vụ du lịch cưỡi voi, nuôi nhốt voi trong điều kiện không phù hợp với tập tính tự nhiên, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ đối với các mô hình du lịch nhân đạo, bảo tồn loài voi trong môi trường sống tự nhiên.

2. Thể lệ cuộc thi

Tác phẩm dự thi cần truyền tải được một hoặc nhiều thông điệp sau:

- Lên tiếng phản đối việc voi bị lạm dụng, khai thác quá mức trong hình thức du lịch cưỡi voi, và những tác hại của hình thức du lịch này đối với sức khỏe thể chất, tinh thần của voi.

- Khơi gợi sự đồng cảm và ý thức tôn trọng loài voi như những cá thể có cảm xúc và nhận thức, vốn là động vật hoang dã thuộc về tự nhiên.

- Ủng hộ mô hình du lịch thân thiện với voi (như tại Vườn quốc gia Yok Đôn và Ban quản lý rừng Lịch sử, Văn hóa, Môi trường Hồ Lắk) như một điển hình của du lịch nhân đạo, thân thiện với voi, hỗ trợ công tác bảo tồn loài voi tại Việt Nam.

- Khuyến khích cộng đồng tham gia các hành động để bảo vệ loài voi có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam.

Cuộc thi được triển khai theo hình thức trực tuyến. Người tham gia gửi tác phẩm dự thi qua form đăng ký tại đường link: https://forms.gle/L37ECiku3NkXrKv39. Sau khi tiếp nhận và kiểm duyệt, các tác phẩm hợp lệ sẽ được đăng tải trên fanpage chính thức của Tổ chức Động vật Châu Á để bình chọn công khai.

Người tham gia có thể lựa chọn dự thi theo hai hình thức như sau:

- Thiết kế poster/tranh minh họa: Có thể thực hiện dưới dạng đồ họa kỹ thuật số hoặc vẽ tay, định dạng ảnh JPEG/PNG, chất lượng từ 150dpi trở lên, thể hiện rõ thông điệp của cuộc thi.

- Video ngắn tuyên truyền: Độ dài không quá 03 phút, định dạng MP4 hoặc MOV, chất lượng từ HD trở lên, nội dung có thể là phóng sự ngắn, phim hoạt hình, kể chuyện bằng hình ảnh hoặc nội dung sáng tạo khác phù hợp với giới trẻ và truyền thông mạng xã hội.

Lưu ý: Tác phẩm dự thi phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Là sản phẩm do chính thí sinh hoặc nhóm thí sinh sáng tạo, không sao chép, sử dụng tác phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào. Ban Tổ chức không chấp nhận các tác phẩm vi phạm bản quyền, sử dụng nội dung, hình ảnh, âm thanh từ nguồn không rõ ràng hoặc chưa được cho phép.

- Tác phẩm chưa từng tham gia hoặc đoạt giải tại bất kỳ cuộc thi nào khác, chưa được công bố công khai trên phương tiện truyền thông trước thời điểm nộp bài dự thi.

- Nội dung phù hợp với thuần phong mỹ tục, không vi phạm pháp luật, không mang tính chất kích động, phân biệt đối xử, bạo lực hoặc trái với tinh thần giáo dục, bảo vệ động vật. Ban Tổ chức có quyền từ chối hoặc gỡ bỏ bài thi vi phạm quy chế.

- Mỗi cá nhân/nhóm được gửi tối đa 02 tác phẩm dự thi (khác thể loại). Trường hợp gửi nhiều tác phẩm, Ban Tổ chức chỉ lựa chọn tối đa 02 tác phẩm nổi bật nhất vào vòng bình chọn, nhằm đảm bảo công bằng cho các thí sinh khác.

- Tác phẩm gửi kèm thông tin cá nhân đầy đủ: họ tên, năm sinh, nơi cư trú, số điện thoại liên hệ, tên nhóm (nếu có), mô tả ngắn gọn về tác phẩm (không quá 150 từ).

- Ban Tổ chức có quyền sử dụng các tác phẩm hợp lệ cho mục đích tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về phúc lợi voi và du lịch nhân đạo, có ghi rõ tên tác giả, không sử dụng cho mục đích thương mại nếu không có sự đồng ý bằng văn bản từ tác giả.

3. Cơ cấu giải thưởng

Tổng giá trị giải thưởng: 24.850.000 đồng (Hai tư triệu tám trăm năm mươi nghìn đồng), bao gồm:

- 01 Giải Nhất: mỗi giải bao gồm 5.000.000 đồng tiền mặt và miễn phí vé tour trải nghiệm cùng voi (nửa ngày) tại Vườn quốc gia Yok Đôn cho nhóm tối đa 5 người.

- 02 Giải Nhì: mỗi giải bao gồm 2.000.000 đồng tiền mặt và miễn phí vé tour trải nghiệm cùng voi (nửa ngày) tại Vườn quốc gia Yok Đôn cho nhóm tối đa 5 người.

- 03 Giải Ba: mỗi giải bao gồm 1.000.000 đồng tiền mặt

- 05 Giải Khuyến khích: mỗi giải bao gồm 500.000 đồng tiền mặt

Giải thưởng tiền mặt sẽ được chuyển khoản vào số tài khoản cá nhân của thí sinh/nhóm đạt giải. Giải thưởng là vé tour có giá trị sử dụng trong vòng 01 năm (kể từ ngày thông báo giải thưởng). Người trúng giải cần liên hệ đặt lịch trước tối thiểu 07 ngày qua email hoặc hotline của Du lịch Yok Đôn để xác nhận thời gian sử dụng chính xác. 

Tất cả các tác phẩm đạt giải sẽ nhận được Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức (bản mềm). Ngoài ra, các tác phẩm tiêu biểu (bao gồm cả những tác phẩm không đạt giải) có thể được lựa chọn để sử dụng trong các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ voi và du lịch không cưỡi voi trong thời gian tới.

4. Hình thức đánh giá:

Các tác phẩm dự thi sẽ được chấm điểm dựa trên tổng hợp hai hình thức:

- Điểm chấm của Hội đồng giám khảo chuyên môn (chiếm 60% tổng điểm), căn cứ vào tính sáng tạo, chất lượng nội dung, thông điệp truyền tải và tính phù hợp với chủ đề.

- Kết quả bình chọn công khai trên mạng xã hội (chiếm 40% tổng điểm), thông qua lượt yêu thích (like), chia sẻ (share) và mức độ lan tỏa của tác phẩm trên fanpage chính thức của cuộc thi.

IV. THÔNG TIN LIÊN HỆ

Mọi thông tin chi tiết về cuộc thi, cách thức nộp bài, kết quả chấm giải sẽ được công bố tại fanpage chính thức của Tổ chức Động vật Châu Á - Animals Asia tại địa chỉ: https://www.facebook.com/animalsasiavietnam

Nếu có thắc mắc hoặc cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ qua inbox trực tiếp cho fanpage Tổ chức Động vật Châu Á - Animals Asia hoặc địa chỉ email: [email protected] 

 


 

BẠN CÓ BIẾT?

Trong 40 năm qua, đàn voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã suy giảm từ 502 xuống chỉ còn trên dưới 35 con. Để bảo tồn loài voi và cải thiện phúc lợi cho các cá thể voi nuôi nhốt, năm 2021, UBND tỉnh Đắk Lắk và Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) ký kết bản ghi nhớ hợp tác chuyển đổi mô hình thân thiện với voi, mục đích hướng tới việc chấm dứt hình thức du lịch cưỡi voi và các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi của voi nuôi trong du lịch và lễ hội.

Theo nội dung hợp tác, Tổ chức Động vật Châu Á cam kết tài trợ trên 2 triệu USD cho tỉnh Đắk Lắk để triển khai mô hình du lịch voi thân thiện mới. Từ năm 2016 đến nay, tổ chức này đã hỗ trợ khoảng 350.000 USD phục vụ công tác bảo tồn voi tại tỉnh. Tính đến tháng 6/2025, 14 trên tổng số 35 cá thể voi nhà tại Đắk Lắk đã được cải thiện điều kiện sống, trong đó 11 cá thể đang tham gia mô hình du lịch không cưỡi voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn và Ban quản lý rừng Lịch sử, Văn hóa, Môi trường Hồ Lắk và 3 cá thể được chăm sóc tại Trung tâm Bảo tồn voi.

Tìm hiểu thêm về mô hình du lịch thân thiện với voi tại: 

- Vườn quốc gia Yok Đôn: https://tour.yokdonnationalpark.vn/

- Ban quản lý rừng Lịch sử, Văn hóa, Môi trường Hồ Lắk: https://rungcanhquanholak.vn/ 

- Tổ chức Động vật Châu Á: www.animalsasia.org

 


BACK