Tri giác động vật - vượt qua ranh giới để yêu thương các loài động vật chân đầu (Cephalopod)

10 October 2024

Thật khó để hình dung làm thế nào mà hai cá thể từ các nhánh tiến hóa và thế giới vật chất khác nhau có thể phát triển và duy trì sự gắn kết theo thời gian. Vậy mà những mối liên kết ấy lại phát triển nhờ có sự phức hợp về cảm xúc và đặc tính xã hội của nhiều loài động vật.

Sự gắn bó giữa nhà làm phim Craig Foster và một cá thể bạch tuộc thông thường trong bộ phim tài liệu “My Octopus Teacher” đã khiến nhiều người xem cảm thấy vô cùng xúc động trước hành động của nhà làm phim khi đến thăm và ghi lại sự kiện độc đáo này, cũng như hành động của cá thể bạch tuộc khi nhận ra và học cách kết bạn an toàn và thậm chí là chơi đùa với một sinh vật xa lạ đang đến thăm thế giới dưới nước.

Rất có thể nhiều người trong chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội được gặp gỡ một loài động vật chân đầu hoang dã. Bạch tuộc, mực ống, và mực nang sống trong một thế giới mà chỉ những người lặn xuống biển mới có cơ hội trải nghiệm. Nhiều người trong chúng ta thậm chí còn chưa từng trông thấy những loài động vật kỳ thú này, chưa nói đến cơ hội để tạo dựng mối liên kết khác loài.

Đối với những người có cơ hội nhìn thấy động vật chân đầu trong môi trường tự nhiên của chúng, nhiều khả năng họ sẽ bắt gặp những cá thể cực kỳ bí ẩn, là bậc thầy ẩn nấp trước mắt người khác với khả năng thay đổi kết cấu và màu sắc của da để hòa vào môi trường xung quanh nhằm tránh bị phát hiện.

Lần gần nhất tôi gặp một loài động vật chân đầu là khi tôi thoáng nhìn vào thế giới nhân tạo của một khu thủy cung, và quan sát những cá thể kỳ bí này qua những bộ phim tài liệu như 'My Octopus Teacher'. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi đối với nhiều người, động vật chân đầu không chiếm nhiều suy nghĩ hoặc mối quan tâm của chúng ta về cuộc đấu tranh sinh tồn của chúng.

Tổ tiên chung gần nhất của chúng ta và động vật chân đầu tồn tại vào khoảng 600 triệu năm trước, tạo nên một khoảng cách quá lớn về thời gian đến mức gần như khó có thể tưởng tượng làm thế nào để hiểu về cuộc sống của chúng so với chúng ta.

Có lẽ chính vì "khoảng cách" này mà nhiều người có thể chưa bao giờ nghĩ đến cách mà bạch tuộc, mực ống, hay mực nang cảm nhận thế giới của chính chúng. Để làm được điều này, chúng ta cần phải làm như nhà làm phim tài liệu Craig Foster đã làm, và vượt qua sự phân biệt về loài để giúp chúng ta hiểu và bảo vệ những loài động vật tuyệt vời này khỏi các mối đe dọa.

Có rất ít loài động vật trông kỳ lạ hơn các loài chân đầu, khi chúng có đến tám chi và không có xương sống. Mực ống có thân hình ống và đầu nhỏ, mực nang có thân hình mập mạp và vây lượn sóng viền quanh cơ thể, và bạch tuộc thường có đầu phình và mắt lồi. Đây là những đặc điểm mà sẽ không nằm ngoài bản thiết kế của những sinh vật đã tự tạo nên dạng sống lạ lùng của chính chúng.

Đối với những người thành công vượt qua ranh giới, họ đã khám phá ra những sự thật thực sự đáng chú ý về những cá thể phức tạp này. Chúng sở hữu hệ thần kinh phát triển cùng bộ não phức tạp được cấu trúc để học tập, lưu trữ thông tin, và xử lý cảm xúc; đây là những đặc điểm mà cá thể bạch tuộc trong phim “My Octopus Teacher”đã chứng minh cho chúng ta thấy. Các cơ quan cảm giác của chúng có thể sánh ngang với động vật có xương sống về độ phức tạp, vậy nên chúng cũng có thể cảm nhận sự đau đớnhọc cách tránh những tình huống gây ra đau đớn.

Môi trường chúng sinh sống và những thách thức chúng phải đối mặt đã tạo điều kiện cho chúng phát triển những hành vi phức tạp và linh hoạt để giúp chúng định hướng thành công. Là những kẻ săn mồi năng động, chúng cần khám phá, tìm hiểu và ghi nhớ môi trường của mình cũng như hành vi của các loài khác để đảm bảo sự sống còn cho chính chúng.

Nhờ có những người dám vượt qua ranh giới giữa các loài, chúng ta đã có thể chứng minh rằng động vật chân đầu thân mềm là loài có tri giác, chúng có khả năng trải nghiệm cả những điều tích cực và tiêu cực, cảm giác đau đớn, khó chịu, thích thú, buồn chán, phấn khích, hài lòng, vui sướng, và lo lắng; và chúng là loài sở hữu nhiều khả năng nhận thức phức tạp.

Bạch tuộc cho thấy sự linh hoạt tuyệt vời trong việc thu thập thông tin, thông qua các giác quan và học tập xã hội bằng cách quan sát cá thể khác. Chúng xử lý và lưu trữ thông tin thông qua bộ nhớ dài hạn để áp dụng trong các tình huống mới. Chúng có khả năng ghi nhớ không gian tuyệt vời, nhiều loài có khả năng định hướng trở lại điểm “nhà” sau khi kiếm ăn bằng cách ghi nhớ và sử dụng kiến thức về các điểm mốc trực quan.

Mực nang có khả năng ghi nhớ theo từng giai đoạn, chúng ghi nhớ và nhớ lại những gì đã xảy ra với chúng trong quá khứ, về cơ bản là tái tạo ký ức khi cần và giúp chúng lưu trữ các khối ký ức nhỏ hơn có thể được sử dụng để tưởng tượng ra sự kết hợp những tổ hợp các đặc điểm khác nhau trong tương lai. Không giống như chúng ta, chúng có thể lưu giữ thông tin này khi chúng già đi.

Do có thùy thị giác lớn – là vùng não dành riêng cho thị giác, nên động vật chân đầu còn có thể nhận ra những cá thể khác loài, bao gồm cả khuôn mặt người. Khả năng thị giác này giúp chúng quan sát và ghi nhớ sự khác biệt của các hình thái khuôn mặt người. Các nhà sinh vật học tại Thủy cung Seattle đã thiết kế một thử nghiệm để kiểm tra khả năng nhận dạng của loài bạch tuộc khổng lồ Thái Bình Dương. Trong suốt hai tuần, một người thường xuyên đến và cho một nhóm bạch tuộc ăn, trong khi một người khác đến chọc vào chúng bằng một chiếc que cứng. Đến cuối quá trình thử nghiệm, bạch tuộc thể hiện hành xử khác nhau với người chăm sóc “tốt” và “xấu”, chúng phân biệt được hai dạng người này, mặc dù họ mặc đồng phục giống hệt nhau. Tại một cơ sở nghiên cứu khác, một cá thể bạch tuộc nuôi nhốt dường như không ưa một người nhân viên nọ, và nó có hành vi phun nước vào cô ấy mỗi khi cô ấy đi qua bể. Khi tìm hiểu thêm về loài động vật kỳ thú này, sẽ không khó để nhận ra rằng môi trường nuôi nhốt gây ra nhiều tác động tiêu cực đến thể chất và tâm lý của chúng.

Dù vậy, sự nuôi nhốt này cũng có mặt tích cực là giúp chúng ta học được rất nhiều điều từ những loài sinh vật biển sâu. Nghiên cứu về hành vi trong điều kiện nuôi nhốt đã cho thấy bạch tuộc rất giỏi trong việc học cách phân biệt . Khi được đưa cho hai vật thể khác nhau, chúng có thể học cách tấn công một trong hai vật thể để đổi lấy phần thưởng. Chúng đưa ra lựa chọn dựa trên các đặc điểm như màu sắc, hình dạng, kết cấu, hoặc hương vị của vật thể, và chúng lưu giữ thông tin này trong nhiều tháng.

Trong môi trường nuôi nhốt, bạch tuộc cũng có hành vi chơi đùa. Chúng dành thời gian thổi chai thuốc đi quanh bể của chúng bằng tia nước phản lực, hay nảy chai qua lại trên các luồng nước từ các van nạp chảy vào bể, như một cách để giết thời gian và giải trí.

Bạch tuộc là loài có khả năng giải quyết vấn đề rất giỏi. Có những cá thể biết biểu thị thông tin bằng xúc tu, có những cá thể tìm cách thoát khỏi nơi nuôi nhốt, hay thậm chí là bắn tia nước để tắt đèn trong phòng thí nghiệm.

Bạch tuộc hoang dã như bạch tuộc dừa là loài có khả năng sử dụng công cụ vô cùng thành thạo. Chúng mang theo vỏ dừa bên mình để làm nơi ẩn náu, vừa giúp chúng tránh các loài động vật săn mồi, và cũng để bất ngờ bắt những con cua đi ngang qua. Với loài bạch tuộc chăn thông thường, chúng có một cách bảo vệ bản thân rất độc đáo là mang theo xúc tu có nọc độc của loài thủy tức (sứa lửa) Bồ Đào Nha để làm vũ khí, với độc tính rất mạnh và gây đau đớn cho bất kỳ kẻ săn mồi hay con mồi nào là đối tượng mà chúng muốn tấn công.

Sự liên kết giữa các loài động vật cũng đã được minh chứng rõ hơn trong phim “My Octopus Teacher”, theo đó, bạch tuộc rạn san hô đã phối hợp cùng với cá mú để săn những con mồi đang ẩn nấp. Chúng tiếp nhận và phản hồi lại cử chỉ từ các loài khác như một cách trao đổi tín hiệu trong chiến lược hợp tác săn mồi.

Mực nang có khả năng tự chủ. Chúng chọn trì hoãn sự thỏa mãn của mình bằng cách không nhận ngay phần thưởng (thức ăn) nếu chúng biết rằng việc chờ đợi thêm có thể mang đến cho chúng cơ hội được ăn món khác ngon hơn. Trong nhiều thử nghiệm về hành vi, mực nang có thể tiết chế việc ăn các miếng thịt cua khi chúng biết rằng, đổi lại, chúng sẽ nhận được một món ăn hấp dẫn hơn, ví dụ như một con tôm.

Vì phải đối mặt với nhiều loài săn mồi dưới biển, nên động vật chân đầu đã tiến hóa trở thành một bậc thầy về ngụy trang, chúng bắt chước các đặc điểm của cảnh quan bằng cách thay đổi màu sắc và kết cấu da để phù hợp với môi trường xung quanh. Trong trường hợp ngụy trang thất bại, chúng vẫn có thể phun mực vào kẻ tấn công để có thêm thời gian trốn thoát. Chúng thậm chí có thể chấp nhận hy sinh một trong những xúc tu của mình, như cá thể bạch tuộc nổi tiếng trên màn ảnh của chúng ta đã làm trong phim khi cố gắng thoát khỏi sự săn đuổi của một con cá mập pyjama, và sau đó nó rút lui về hang để hồi phục, từ từ tái tạo xúc tu bị mất trong khoảng thời gian ba tháng.

Trong khi hầu hết các loài động vật chân đầu sử dụng khả năng ngụy trang tinh vi để tránh kẻ săn mồi, thì bạch tuộc bắt chước (mimic octopus - Thaumoctopus mimicus) lại có khả năng giả dạng thành loài động vật khác mà kẻ săn mồi có xu hướng tránh. Chúng thường chọn bắt chước những loài mà được xem là mối đe dọa lớn nhất đối với kẻ săn mồi tiềm năng của chúng bằng cách uốn cong cơ thể, sắp xếp vị trí của các xúc tu, và thay đổi hành vi để hóa thân thành nhiều loài có nọc độc như cá sư tử, cá bơn sọc, và rắn biển.

Trong khi khả năng ngụy trang vào môi trường xung quanh đồng nghĩa với việc động vật phải ở yên một chỗ khi kẻ săn mồi ở gần, thì khả năng giả dạng thành một loài động vật khác lại có thể giúp chúng di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Và cuối cùng, một đặc điểm của bạch tuộc trong phim “My Octopus Teacher” mà đã làm lay động biết bao trái tim của người xem, đó là sự hy sinh của bạch tuộc mẹ dành cho bạch tuộc con. Sau một khoảng thời gian sống đơn độc, bạch tuộc cái sẽ giao phối, đẻ trứng, chăm sóc trứng, rồi chết. Điều này đưa chúng ta tới một trường hợp nghiên cứu cuối cùng về loài bạch tuộc khổng lồ Thái Bình Dương. Đây là một trong những loài bạch tuộc lớn nhất thế giới mà chúng ta biết đến, và cũng là ứng cử viên sáng giá nhất về sự hy sinh thân mình cho con cái.

Bạch tuộc cái sẽ đẻ và chăm nom cho một ổ trứng siêu lớn lên đến hơn 100.000 quả trong một hang ấp. Bằng xúc tu của mình, bạch tuộc mẹ nâng niu trứng, đảm bảo tảo không phát triển trong ổ trứng, bảo vệ trứng khỏi động vật săn mồi, và liên tục cung cấp oxy cho trứng. Bạch tuộc mẹ làm tất cả những điều này trong sáu tháng mà không ăn, và đến giai đoạn trứng chuẩn bị nở, thì bạch tuộc mẹ lúc này đã trở nên rất yếu. Cho đến một đêm nọ, khi bạch tuộc con chào đời, bạch tuộc mẹ sẽ dịu dàng phun nước cho chúng một lần sau cuối. Bạch tuộc mẹ đã chọn hy sinh bản thân để mang đến cơ hội sống sót tốt nhất cho những đứa con bé bỏng của mình.

Có thể thấy rằng, khả năng giải quyết vấn đề, học tập, ghi nhớ, tự chủ, hợp tác, sử dụng công cụ, ngụy trang, và hy sinh bản thân là tất cả những yếu tố khiến cho động vật chân đầu xứng đáng để chúng ta quan tâm và bảo vệ.

Bộ phim “My Octopus Teacher” đã cho chúng ta biết về sự phi thường, độc đáo trong tính cách của bạch tuộc, đồng thời cung cấp cho chúng ta một nhận thức sâu sắc về cuộc sống phức tạp của chúng. Mặc dù có thể chúng ta sẽ không có cơ hội được trải nghiệm trực tiếp cuộc sống của những loài động vật này trong môi trường hoang dã, nhưng những kiến thức về sự phức tạp của chúng chính là cây cầu đưa chúng ta vượt lên trên sự phân biệt loài để đưa các loài động vật chân đầu vào trái tim và tâm trí của chúng ta.

Được viết bởi Dave Neale, Giám đốc Tri giác và Phúc lợi Động vật Toàn cầu, Tổ chức Động vật Châu Á 


BACK