Cứu hộ gấu nuôi nhốt cuối cùng ở Bình Thuận

18 June 2014

(31/03/2014) Sau Huế, Bình Thuận là địa phương thứ hai xóa hoàn toàn nạn nuôi gấu trang trại - khi cá thể cuối cùng được chủ nuôi tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng và tổ chức cứu hộ.

Con gấu trên dự kiến sẽ được đưa về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) vào chiều thứ 6 (28/3) sau hành trình dài 1.700 km.

Con gấu tên Tí Mập được ông Nguyễn Hồng Việt (ở thành phố Phan Thiết) mua về từ năm 2000 khi còn nhỏ. Ông Việt đã nuôi nhốt nó trong 14 năm với mục đích khai thác mật để bán. Khi biết nhà nước có chủ trương khuyến khích các cá nhân giao nộp gấu, ông Việt đã làm đơn gửi tới cơ quan kiểm lâm để tìm một trung tâm cứu hộ có điều kiện tiếp nhận tốt nhất.

Trước tình huống này, Tổ chức động vật châu Á đã tình nguyện hỗ trợ các cơ quan chức năng để tiếp nhận gấu. 

Tí Mập nặng 150 kg lại được nuôi nhốt trên tầng 4 với bản tính hoang dã nên quá trình cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Để đảm bảo quá trình bàn giao và vận chuyển gấu an toàn, các bác sỹ và chuyên gia thú y của Tổ chức động vật châu Á đã trực tiếp vào Bình Thuận để thực hiện việc gây mê, kiểm tra sức khỏe và chăm sóc gấu trên suốt hành trình cứu hộ.

Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức trên tại Việt Nam nói: "Với chúng tôi, chuyến cứu hộ này có nhiều ý nghĩa đặc biệt. Không chỉ đơn thuần là thêm một tỉnh không còn nạn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam, mà còn vì gia đình chủ nuôi gấu đã tự nguyện muốn gấu có cuộc sống tự do, và nhìn nhận thực tế thị trường mật gấu đã thoái trào".

Cũng theo vị chuyên gia trên, đây là tín hiệu đáng mừng để chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật. 

Hiện có 110 con gấu đang được nuôi dưỡng và chăm sóc trong các khu bán hoang dã, để dần phục hồi sức khỏe và bản năng tự nhiên tại Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam.


BACK